
Công chúa Nhật Quang
là con thứ hai của vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ.
Công chúa rất đẹp, một vẻ đẹp thùy mị hơn hẳn
các thiếu nữ đương thời ở nước Xá Vệ; Công chúa lại rất thông minh học đâu nhớ
đấy. Không những công chúa sắc sảo về môn nữ công mà còn tinh thông các triết
lý học thuật; đức hạnh công chúa cũng quán chúng, tuy sanh trong giai cấp vua
chúa cao sang, nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn nhã nhặn, nhất là đối với hạng
nghèo khổ tật nguyền, công chúa thành thật yêu mến và luôn luôn tìm cách giúp đỡ.
Vì thế nên công chúa được rất nhiều người kính trọng. Người nào đã hân hạnh gặp
công chúa một lần, họ sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hòa và lời nói thanh tao của công
chúa. Ðối với cha mẹ, công chúa thật là người con hiếu hạnh, nàng hầu hạ vua và
hoàng hậu hết sức chu đáo, và không bao giờ nói một lời hay làm một việc trái ý
vua và hoàng hậu.
Ba Tư Nặc vương được một người con xứng đáng
như vậy, vua rất cưng quý, có thể nói công chúa Nhật Quang là viên ngọc vô giá
của vua nước Xá Vệ. Những cuộc quan sơn ngoạn thủy của vua, công chúa đều được
tham dự, mỗi khi quốc sự rảnh rang, nhà vua thường đòi công chúa đến hầu chuyện,
hỏi những vấn đề thắc mắc công chúa đều trả lời trôi chảy, nhà vua rất đẹp dạ.
Một buổi chiều nhà vua đang dùng trà tại vườn
ngự uyển, có công chúa đứng bên cạnh, nhà vua nhìn con rồi vui miệng phán rằng:
“Khắp nước Xá Vệ này không ai được hạnh phúc bằng con, đời con được như thế thật
là hoàn toàn nhờ sức của cha mẹ tác thành vậy”.
Công chúa Nhật Quang thành thật trả lời: “Tâu
phụ vương, công ơn sanh dưỡng của Phụ hoàng và Mẫu hậu như trời bể con không hề
dám quên. Nhưng đời con được hạnh phúc như thế này, con thiết tưởng cũng có ảnh
hưởng của cha mẹ một phần nào, nhưng phần lớn nhờ kiếp trước con đã tu nhân
tích đức nhiều vậy”.
Câu nói của công chúa không ngờ đã chạm lòng tự
ái của vua Ba Tư Nặc quá mạnh, vua liền đứng dậy, lặng lẽ trở vào cung.
Ðêm hôm ấy, nhà vua không hề chợp mắt, suy
nghĩ mãi lời nói của công chúa, và vua rất bực tức, đứa con yêu và ngoan ngoãn
của mình chưa bao giờ trái ý mình dù là một cử chỉ nhỏ nhặt, hôm nay lại xúc phạm
đến lòng tự ái của mình, có thể nói là không thừa nhận một lý thuyết (nghĩa là
hạnh phúc của con hoàn toàn do cha mẹ tác thành) mà ông cho là muôn đời bất biến
và ai cũng phải công nhận.
Muốn bảo thủ thành kiến của mình, nên mới sáng
tinh sương, Ba Tư Nặc vương liền đòi viên cận thần thân tín bảo rằng: ta cần một
thanh niên trạc tuổi công chúa Nhật Quang mà hiện sống trong một cảnh nghèo
hèn, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, ngươi phải tìm cho ra một người có đủ điều
kiện ấy, dẫn về đây cho ta.
Ba ngày sau, viên cận thần dẫn về một thanh
niên hành khất, mặt mũi khôi ngô, nhưng trong người chỉ mặc vỏn vẹn một chiếc
khố rách đến yết kiến vua Ba Tư Nặc. Vua rất mừng ban thưởng viên cận thần
xong, quay lại hỏi thân thế thanh niên hành khất rồi bảo rằng: Ta thấy ngươi
nghèo khổ, chưa có gia thất, nay ta đem công chúa Nhật Quang gả cho ngươi,
ngươi được quyền dẫn công chúa đi đâu tùy ngươi.
Thanh niên nghèo khổ kia không biết trả lời ra
sao chỉ cúi đầu vâng lệnh.
Vua lại kêu công chúa Nhật Quang đến phán rằng:
hôm kia con đã nói:
“Hạnh phúc của con hiện tại phần lớn là do con
đã tu nhân tích đức ngày trước. Nay ta muốn thí nghiệm lời ấy, nên ta đã gả con
cho một thanh niên hành khất, nếu con có phước báo thì con cũng trở nên giàu có
sung sướng. Con hãy sửa soạn ngày mai lên đường với chồng con, khi nào có chiếu
chỉ mới được trở về cung”.
Với nét mặt đầy nghiêm nghị của Vua Ba Tư Nặc
vương, công chúa không dám nói gì, chỉ yên lặng trở về hậu cung.
Sáng ngày công chúa vào lạy cha mẹ, từ biệt mọi
người, rồi bình tĩnh ra đi với thanh niên hành khất.
Hoàng hậu và thần dân đều thương xót và khóc
lóc, lo ngại cho số phận công chúa, nhưng ý vua đã quyết nào ai dám mở lời
khuyên can!
Ra khỏi hoàng cung, công chúa hỏi thanh niên
hành khất rằng: Cha mẹ chàng đâu? Nhà cửa chàng đâu? Vì sao chàng lại nghèo khổ
đến thế?
Thanh niên buồn rầu đáp: “Gia đình tôi trước
cũng giàu có, vì được cha mẹ cưng quý, tôi tiêu xài hoang phí, ham chơi bời với
chúng bạn, có học tập nhưng không đâu đạt gì, đến khi cha mẹ qua đời, tôi bán hết
ruộng đất nhà cửa, hiện nay chỉ còn một sở vườn cách đây ba trăm dặm cỏ lác mọc
đầy, cho người ta mướn họ không mướn, bán họ không thèm mua, hết của cải, không
nghề nghiệp không biết nghề gì nuôi thân, nên phải hành khất độ nhật. Hôm nay
tôi đang lang thang giữa đường, thì gặp một vị quan của vua, ông ta hỏi cặn kẽ
về gia thế tôi, rồi ông dẫn tôi yết kiến nhà vua, không biết gì sao nhà vua lại
đem công chúa gã cho một kẻ nghèo hèn như tôi?”.
Vẫn nét mặt ôn hòa công chúa nói với thanh
niên hành khất rằng: “Dù sao từ nay chúng ta cũng đã là vợ chồng, chúng ta phải
tìm phương kế làm ăn và trước hết phải tìm nơi tạm trú”.
Không biết tìm chỗ nào khác, nên công chúa và
thanh niên hành khất liền dẫn nhau đến sở vườn của cha mẹ thanh niên để lại -
thật là một mảnh vườn hoang phế, cỏ lác um tùm sỏi đá lởm chởm. Hai người bàn định
cắt cỏ đốn cây che một chiếc chòi nhỏ vừa tạm ở, những người quanh đấy có người
biết công chúa Nhật Quang nên cùng nhau đến giúp đỡ công việc cho công chúa. Ðến
khi đào đất để dựng cột nhà, vừa đào được vài lát đất thì gặp ngay ba cái chum
lớn niêm khằn cẩn thận. Công chúa liền mở chum ra thì thấy trong ba cái chum ấy,
vô số là vàng bạc châu báu, công chúa vui mừng sung sướng đem bán bớt một số
châu báu rồi mướn người dọn dẹp cỏ rác, trồng tỉa hoa quả, tạo lập lâu đài… Vốn
sẵn tánh hiền lành lại sẵn lòng yêu thương giúp đỡ mọi người, nên thợ thuyền
tôi tớ rất trung thành tận tụy, không bao lâu đám vườn hoang phế kia đã biến
thành một vườn hoa trăm sắc muôn màu; lâu đài trang hoàng lộng lẫy, người vô kẻ
ra tấp nập không khác dinh thự của bậc đế vương.
Từ khi công chúa rời khỏi cung điện, vua Ba Tư
Nặc sanh lòng hối hận đêm ngày trông nhớ, nhà vua đinh ninh rằng: Công chúa lâu
nay chắc gặp nhiều khổ sở và định đón công chúa trở về cung để an hưởng cảnh
đoàn viên phú quý. Nhà vua liền phái một số cận thần tìm nơi công chúa ở và dò
xem đời sống của công chúa ra sao?
Sau một thời gian dò xét, các cận thần về tâu
với nhà vua: “Công chúa ở cách xa cung điện nhà vua chừng ba trăm dặm và hiện
đang ở trong cảnh phong lưu sung sướng giàu có ức triệu”. Vua Ba Tư Nặc không
tin, liền đến nơi dò xét quả đúng như lời các cận thần. Nhà vua nói với kẻ tả hữu
rằng: “Trẫm thấy đời sống của vợ chồng công chúa Nhật Quang hiện tại, tuy trẫm
là vua một nước, thật cũng không sung sướng bằng”.
Nhưng vua cũng băn khoăn thắc mắc không biết
tiền kiếp công chúa đã tu những nhân lành gì mà nay được nhiều phước báo như vậy.
Vốn nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đại
giác, nên vua thân hành đến Tịnh xá nơi Phật thuyết pháp, cung kính bạch rằng:
Bạch Thế Tôn! Nghe danh Ngài là bậc đại giác chứng nhất thế trí, hiểu thấu việc
trong ba đời, nay đệ tử có điều nghi xin Ngài chỉ dạy: “Nhật Quang công chúa thứ
hai của đệ tử, không biết đời trước tạo nhân lành gì, mà ngày nay tướng mạo đẹp
đẽ, thông minh xuất chúng, giàu có sang trọng… Ðệ tử đã gả công chúa cho một kẻ
hành khất nghèo hèn thế mà công chúa cũng đào được vàng bạc rồi trở nên sang trọng
hơn người.
Ðệ tử cứ thắc mắc mãi mong Ngài từ bi khai thị
cho đệ tử rõ?”
Ðức Phật Thích Ca nở nụ cười hiền hòa muôn thuở
thong thả dạy rằng:
“Nghi vấn Ðại vương sẽ được tiêu tan sau khi
nghe câu chuyện này:
Nầy Ðại vương! Xưa kia khi
Ðức Phật Ca Diếp ra đời, có hai vợ chồng người lái buôn giàu có, người vợ rất
tôn kính Tam bảo, thường khuyến khích mọi người bỏ việc ác làm lành, quy y Tam
bảo, lại hay làm việc bố thí cúng dường, nhất là đối với kẻ tàn tật, nàng hết sức
thương mến và tận tâm chăm sóc. Người chồng lại có tánh bỏn sẻn, mỗi khi thấy vợ
làm việc cúng dường bố thí, thì tỏ ra thái độ bất bằng, tìm cách ngăn cản.
Một hôm gặp ngày nguyên đán, người vợ thành
tâm sắm sửa lễ vật để cúng dường Tam bảo và bố thí kẻ nghèo trong ba ngày, người
chồng thấy vậy bực tức nói rằng: “Hãy để dành tiền của lại sắm sửa thêm nhà cửa
ruộng đất, chứ làm những việc ấy thêm hao tốn, phỏng có ích gì!”. Người vợ dịu
dàng trả lời: “Của cải là vật vô thường ta không bỏ nó, rồi nó sẽ bỏ ta; hơn nữa
những kẻ nghèo khổ hiện tại, theo trong kinh Phật dạy, đều do đời trước tham
lam ích kỷ, không biết dùng tiền của làm các việc phước thiện; ngày nay đời sống
của vợ chồng chúng ta tạm gọi là khá giả, chúng ta nên dùng một số tiền làm các
việc phước thiện để bảo tồn hạnh phục tương lai cho chúng ta, và cũng gọi là
góp một phần trong công việc nghĩa chung vậy”.
Nghe mấy lời giải thích của vợ, người lái buôn
mới tỉnh ngộ và cảm động, từ đó anh không ngăn cản vợ mà lại rất hăng hái trong
công việc làm phước đức…
Này Ðại vương! Vợ người lái buôn xưa kia chính
là công chúa Nhật Quang ngày nay, đời trước nàng thường khuyến khích mọi người
bỏ ác làm lành, quy y Tam bảo, nên được quả báo thông minh xuất chúng; đời trước
sốt sắng cúng dường bố thí, nên nay được quả báo sung sướng giàu sang, nhiều người
mến phục; đời trước tận tâm săn sóc giúp đỡ kẻ tàn tật, ngày nay được quả báo
nhan sắc đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang.
Người lái buôn xưa kia chính là chồng công
chúa hiện tại, ngày trước lúc chưa tỉnh ngộ, anh ta bỏn sẻn hay ngăn cản việc
làm phước thiện của vợ, nên ngày nay phải chịu đói rách một thời.
Vua Ba Tư Nặc nghe Phật kể rõ tiền kiếp của
công chúa Nhật Quang, nhà vua mới tỉnh ngộ, và rất thâm cảm đạo lý nhân quả tội
phước của Phật. Rồi vua cúi đầu đảnh lễ Ðức Phật ra về.
Về đến cung, công việc đầu tiên của vua là cho
người đón rước vợ chồng công chúa Nhật Quang về. Gặp công chúa, vua Ba Tư Nặc
khôn xiết vui mừng, vua không quên nói nhiều lời hối hận, với công chúa Nhật
Quang cũng rất sung sướng được gần gũi phụng sự cha mẹ, và giúp vua cha trong
việc trau dồi đạo đức, bảo quốc an dân. Thanh niên hành khất chồng công chúa,
cũng được vua phong cho một chức quan cao cấp trong triền đình.